Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Tại sao giá tranh của Lê Phổ cao nhất

Nói về danh họa Lê Phổ (1907-2001), nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận định: “Đứng ở góc độ người làm phê bình, tôi không đánh giá cao đóng góp của Lê Phổ trong nghệ thuật. Còn việc tranh Lê Phổ đang dẫn đầu bảng trên thị trường nghệ thuật lâu nay, theo tôi, cơ bản, vì chúng đang ở trên một kênh thương mại được điều hành tốt”.


Đỉnh điểm về giá có lẽ thuộc về tác phẩm Nostalgie (Hoài cố hương, 60,5 x 46cm, 1938) được nhà đấu giá Sotheby’s đưa ra năm 2006 tại Singapore, với mức giá sàn từ 181.820 đến 303.030 USD, và kết quả bán được trên mức sàn một ít. Trước đó 1 năm, tại Hong Kong, nhà Christie’s đã ra giá cho tác phẩm À l’approche du Têt (Sắp Tết, 60 x 47cm, 1937) từ 76.900 đến 102.600USD và cũng bán với mức cao hơn giá sàn.
Cũng nhà Christie’s, họ đang chuẩn bị cho mùa Xuân 2009 tại Hong Kong với bức Mẹ và các con với giá bán khoảng 130.000USD. Năm vừa rồi, bức Cho chim ăn của Lê Phổ đã được bán với giá gần 100.000USD…
Tại sao giá tranh của Lê Phổ cao nhất trong các họa sĩ Việt Nam hiện nay? Có nhiều lý do, theo Lê Thái Sơn (chủ Thai Son Fine Arts Gallery & Collection) thì từ năm 1963, gallery Wally Findlay (www.wallyfindlay.com) ở Mỹ đã trở thành nhà sưu tập gần như độc quyền về tranh Lê Phổ, họ có cả ngàn bức. Chính nơi đây đã gần như quản lý hết đầu ra của họa sĩ này, như trên ArtNet trong một vài năm qua đã rao bán gần 400 bức, rồi các nhà đấu giá Sotheby’s, Christie’s, Larasati, Borobudur, Mainichi, Beijing Poly International…; các gallery như Romanet (Paris), Florence Art (Ý), Simyo (Hàn Quốc), Art Forum, Ode To Art (Singapore), La Luna, Thavibu (Thái Lan)… đều có chú ý đặc biệt đến Lê Phổ, mà nguồn ra chủ yếu từ Wally Findlay. “Khi nhìn vào hệ thống chuyên nghiệp và trải rộng như thế này, chắc chúng ta cũng hình dung được tại sao tranh Lê Phổ thu hút được người mua ở khắp thế giới” - Lê Thái Sơn nói thêm.
Khi gửi E-mail hỏi từ lý do nào mà Wally Findlay chú ý đến tranh Lê Phổ, một đại diện về quảng cáo và mua bán của họ trả lời rằng vì đây là họa sĩ thời kỳ đầu của một nền mỹ thuật hiện đại, nhưng lại ít được chú ý, ngay cả ở Việt Nam, cho nên càng lưu giữ lâu thì cơ hội nâng giá càng lớn. Họ cũng tiết lộ cho biết rằng nhà sưu tập Tuấn Phạm ở California đã mua rất nhiều tác phẩm của Lê Phổ. Một gallery ở San Francisco có tên George Belcher (www.gbgallery.com/Asian.htm) cũng làm những trang riêng về Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, và nhiều họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam.

Paroma